Dự án chuyên môn

[Ngừa chấn thương] Những dụng cụ bảo hộ dành cho chạy bộ

Sang Nguyen
Đăng ngày 30/04/2020
1,314 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Trên thị trường hiện nay tràn lan các loại dụng cụ bảo hộ thể thao, làm sao để chọn cho mình loại phù hợp nhất? Cần phải lưu ý những gì khi sử dụng các loại thiết bị bảo hộ để giảm thiểu tần suất các chấn thương cũ bộc phát? Lần này, biji mời viện trưởng Hoàng Bác Thanh chia sẻ những quan điểm đúng đắn trong việc sử dụng những dụng cụ bảo hộ với các đọc giả.

Làm cách nào để chọn thiết bị bảo hộ phù hợp với cá nhân? (Nguồn ảnh: Biji)


Dụng cụ bảo hộ chỉ góp một phần nho nhỏ trong việc bảo vệ sức khỏe mà thôi

Trước tiên, cho dù bạn là những vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp hay chỉ là những runner nghiệp dư thì cũng nên hiểu rằng: Các loại thiết bị bảo hộ chỉ có một vai trò nho nhỏ trong việc bảo vệ bản thân, nếu như bạn muốn sở hữu một chu kì vận động dài lâu, thì tất nhiên là trước khi chạy nên khởi động làm nóng cơ thể và sau khi chạy nên thực hiện giãn cơ, đồng thời không thể bỏ qua các bài tập cải thiện cơ bắp. Cho nên bạn đừng bao giờ cho rằng chỉ cần đeo các loại băng đai bảo hộ là đủ rồi.

Đừng bao giờ chỉ ỷ lại vào các dụng cụ bảo hộ. Khởi động trước khi chạy và giãn cơ sau khi chạy kết hợp với các bài tập cải thiện sức mạnh cơ bắp đều rất quan trọng (Nguồn ảnh: Biji)


Theo bác sĩ Thanh, những runner thường đến phòng khám của ông đều rơi vào tình trạng thiếu quá trình giãn cơ sau khi tập luyện và thông thường họ mắc phải hội chứng dải chậu chày. Nguyên nhân là do trong khi chạy bộ, dải chậu chạy liên tục ma sát với má ngoài của xương đùi, dẫn đến cơ mông, cơ rộng ngoài của đùi căng cứng.

Để đánh tan những cảm giác căng cứng khó chịu này, sau khi chạy bạn nên thực hiện các động tác giãn cơ, hoặc sử dụng các con lăn mát xa hoặc tìm đến các chuyên gia mát xa để giúp cơ bắp thả lỏng, “đa phần các bệnh nhân đến điều trị đều bỏ qua giai đoạn thiết yếu này, nên xác suất chấn thương của họ cao hơn những người khác.” Trong trường hợp này, cho dù bạn có đeo thiết bị bảo hộ hoặc kéo dài thời gian nghỉ dưỡng lên đến vài tháng hay thậm chí nửa năm cũng khó có thể hoàn toàn phục hồi hẳn.


Vì sao phải sử dụng các băng đai bảo hộ?

Sau khi có một quan niệm đúng đắn thì trước khi bắt tay vào mua các loại dụng cụ bảo hộ này, bạn cũng nên suy nghĩ xem nhu cầu của bản thân là gì. Hai chức năng chính của thiết bị bảo hộ đó là ngăn ngừa chấn thương và giảm đau. Trong trường hợp không có chấn thương thì khi chạy ở các cung đường bằng phẳng bạn không cần phải đeo chúng, nhưng nếu cung đường chạy của bạn gồ ghề, cheo leo thì có thể mang các thiết bị bảo vệ đầu gối, bảo vệ mắt cá chân để nâng cao độ vững chắc của các khớp, tránh các ổ gà, ổ voi dẫn đến hiện tượng bong gân.

Trong trường hợp bạn biết trước cung đường chạy của mình tương tự các cung đường trail, bạn có thể mang băng bảo vệ khớp gối, mắt cá chân để tăng cường độ vững chắc của các khớp này (Nguồn ảnh: Biji)


Đối với những runner có tiền sử chấn thương, nếu trong khi chạy vẫn cảm thấy đau nhức, thì kiến nghị bạn nên dừng lại ngay, nhưng nếu chấn thương của bạn nằm trong giai đoạn cuối của quá trình phục hồi, thì khi mới bắt đầu chạy sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng sau khi chạy được một hồi thì toàn thân nóng lên, cảm giác đau biến mất hẳn có nghĩa là cơ bắp căng phồng hoặc căng cứng, trường hợp này có thể đeo đai bảo hộ là không thành vấn đề.

B.s Thanh giải thích thêm, cũng như bong gân, thiết bị bảo vệ gối có thể chèn ép lên các dây chằng bên của khớp gối, làm giảm hiện tượng viêm sưng. Trong trường hợp chấn thương mắt cá chân, bạn nên mang băng bảo hộ mắt cá đi ngủ, như vậy có thể hạn chế mức độ sưng của nó vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là bạn nên kiểm tra xem liệu bạn có siết quá chặt không, nếu như ở các đầu ngón chân hoặc các khu vực xung quanh xuất hiện màu xanh đen thì chứng tỏ bạn đã thắt quá chặt ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, lúc này bạn nên tháo chúng ngay lập tức. Thường thì bạn nên tháo chúng sau mỗi hai tiếng để tránh hiện tượng mạch máu tắc nghẽn.

Bong gân là chấn thương thường gặp trong vận động, một khi dây chằng bị kéo giãn thì rất khó phục hồi như trạng thái ban đầu, kéo theo sự bảo vệ khớp gối cũng giảm dần, cho nên mang thiết bị bảo hộ gối có tác dụng bảo vệ dây chằng (Nguồn ảnh: Biji)


Làm sao để chọn băng đai bảo hộ phù hợp?

Một số runner cho rằng chọn những băng đai bảo hộ càng chặt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, dù sao thì sử dụng càng nhiều lần thì chúng sẽ càng lỏng lẻo. Đây là một quan niệm vô cùng sai lầm, đối với những dây đai bảo hộ khớp gối hoặc mắt cá chân thì tuổi thọ của chúng cũng chỉ kéo dài từ một đến hai năm mà thôi, cho nên ngay từ lúc ban đầu bạn buộc phải chọn kích cỡ phù hợp với bản thân, một khi dây giãn ra rồi thì nhất định phải thay, bởi vì tác dụng của chúng không còn được đảm bảo nữa, ngược lại quá chặt sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu.

Nên chọn dây đai bảo hộ được làm từ chất liệu thoáng khí, có tính đàn hồi tốt, để tránh tình trạng đổ mồ hôi tồn đọng lâu trên dây làm bạn khó chịu, hoặc ma sát quá mức dẫn đến tình trạng dị ứng cho da. Trong trường hợp bạn không bị chấn thương thì nên chọn những loại dây hỗ trợ thông thường là được, nếu bạn chấn thương thì nên tìm đến những cửa hiệu chuyên bán các loại trang bị chuyên dùng trong điều trị chấn thương là tốt nhất.

Ngoài ra, dây đai hỗ trợ xương bánh chè chỉ có chức năng chèn cục bộ, và băng bảo vệ gối ngoài công dụng bảo vệ đầu gối ra, thì khi dán chúng cần phải tạo một khoảng cách để tạo lực cố định giữa đùi và bắp chân, khoảng cách này dài thêm một ít thì phạm vi bám chặt vào bắp chân càng rộng, càng tăng cường tác dụng bảo vệ khớp gối. Hay nói một cách đơn giản, băng bảo vệ gối đừng quá ngắn thì mới có thể phát huy tác dụng của nó.

Một số băng bảo vệ gối bên trong có những thanh sắt làm giá nâng đỡ, cải thiện tính vững chắc của hai má bên khớp gối (Biji)


Nếu không có tác dụng thì thực ra chúng ta cũng không cần phải đeo

Giả sử cơn đau không thuyên giảm sau khi đeo băng bảo hộ thì bác sĩ Thanh kiến nghị lúc này bạn nên tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế, như vậy mới có thể thực sự tìm được nguồn gốc cơn đau để tiến hành điều trị.

Một ví dụ điển hình thường gặp khác đó là các bệnh nhân đứng dậy sau khi ngồi đều bị đau lưng dưới, mặc dù họ có đeo băng bảo hộ lưng nhưng vẫn không hề cải thiện tình trạng này. Lúc này đây, bạn nên đề cao cảnh giác, có thể vùng chấn thương không đơn giản chỉ nằm ở lưng, do đó bạn nên tìm đến các chuyên gia để được kiểm tra chi tiết xem nguyên nhân căn bệnh xuất phát từ đâu thì mới có thể tiến hành điều trị dứt điểm được.


Làm sao để tìm ra nguyên nhân ca các cơđau?

Tóm lại, bạn nên đến những phòng khám hoặc bệnh viện để được tư vấn trực tiếp là tốt nhất. Bác sĩ Thanh nói rằng những bệnh nhân đến phòng khám của ông thường đặt những câu hỏi như: “Băng bảo hộ nên đeo bao lâu? Đeo suốt có được không?”. Cũng như ở phần trên bài viết có đề cập đến, thiết bị bảo hộ chỉ góp một phần nhỏ trong quá trình bảo vệ, những trường hợp thông thường thì nên dùng các loại băng bảo hộ cơ bản là được, những loại thiết bị bảo hộ quá cao cấp mặc dù có tác dụng hoàn chỉnh hơn nhưng “chúng giúp cơ bắp của bạn ra sức nhiều hơn, ngược lại sẽ có tác dụng không tốt.”

Trong trường hợp bạn đã đeo băng bảo hộ mà cơn đau vẫn không hề thuyên giảm thì bạn nên tìm ra nguyên nhân, để có được sự trị liệu thích hợp thì mới có thể kéo dài tuổi thọ vận động của bản thân (Biji)


Tình huống thường gặp nhất phát sinh từ băng bảo vệ lưng, loại băng này có thể bảo vệ các nhóm cơ quanh cột sống, đồng thời hạn chế góc độ hoạt động quá mức của lưng, cho nên những người sử dụng loại băng bảo hộ lưng thường có thói quen mang cả ngày, theo họ thì đau đâu quấn đó, đặc biệt là khi làm việc trong một thời gian dài phải đứng và dùng đến lực lưng.

Bác sĩ chia sẻ thêm, một bệnh nhân đã đeo băng bảo vệ lưng suốt mười năm liền do mỗi khi khom lưng là cơn đau xuất hiện. Nhưng sau khi kiểm tra, ông phát hiện rằng, mặc dù đeo băng bảo vệ vẫn không giúp giảm đau, mà ngược lại do đeo băng trong suốt một khoảng thời gian dài làm cho các nhóm cơ quanh ở vùng lưng căng cứng quá độ, vì vậy bệnh nhân này không có cách nào xoay chuyển vùng lưng, hoạt động các khớp cũng rất kém.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu cơ thể bạn xuất hiện các cơn đau thì điều trước tiên bạn nên làm đó là tìm ra nguồn gốc của chấn thương, tránh để cho cơ bắp rơi vào trường hợp co thắt, kéo giãn quá mức hoặc căng cứng. Sau khi điều trị nên kết hợp trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện cơ bắp, vì chỉ khi cơ bắp bạn đủ lực thì mới có thể ứng phó với một lượng tập luyện lớn như chạy marathon, vì lúc này các nhóm cơ core của bạn đủ khỏe thì bạn mới có thể hoàn thành cự ly 42 cây số này, nếu không chỉ làm bạn chấn thương nặng hơn, hoặc bạn cho rằng cơn đau đã biến mất nên đi chạy lại, chính những lúc này căn bệnh cũ lại tái phát tỉ lệ thuận theo cường độ tập luyện của bạn.

Nếu bạn là một runner chuyên nghiệp, muốn kéo dài tuổi thọ thể thao của bản thân thì bạn nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vấn đề này để chọn cho mình một phương pháp tập luyện và điều trị tốt nhất.


[Nguồn bài viết:  Running Biji]